Tà Chì Nhù – hành trình leo núi nhiều bài học đáng quý.
Ngày đầu tiên và buổi sáng ngày thứ 2 đúng là thiên đường. Ngọn núi phô bày cho chúng tôi những gì đẹp nhất.
Nhóm chúng tôi hẹn nhau đến sớm trước khoảng 15p để chuẩn bị, nhưng KHÔNG, văn hoá cao su đã thấm đẫm lên mỗi con người chúng tôi. Hẹn nhau 6h20 tối nhưng mất tới 30p cho việc chờ đợi nhau ^^
Do Tà Chì Nhù nằm ở tỉnh Yên Bái, đường đi khó khăn nên chỉ có xe 29 chỗ mới có thể đi được, chứ không đi xe giường nằm. Sau khoảng 5 tiếng vừa ngồi, vừa nói chuyện với mọi người, vừa ngủ gà ngủ gật trên xe, mọi người chắc cũng đã thấm mệt nên nhanh chóng tìm giường và đi ngủ để chuẩn bị cho ngày hôm sau.
Ngày trekking thứ nhất, thời tiết đã chuyển lạnh, thay vì đi xe ôm đến mỏ chì, chúng tôi được sắp xếp lên ô tô đi thẳng đến điểm xuất phát. Mất khoảng 1 tiếng cho những thủ tục liên quan đến kiểm tra giấy xét nghiệm và vaccine, nên khoảng 9h30 chúng tôi mới có thể xuất phát.
Thời tiết khá tốt cho việc săn mây, trời nhiều mây, quang, không mưa phùn.
Ảnh nghỉ ngơi giữa buổi sáng.
Nhưng KHÔNG. Nếu như những ngọn núi tôi từng leo cho tôi cảm giác khổ sở, khó khăn, do thời tiết rất xấu và mưa phùn để có thể vỡ oà khi chinh phục đỉnh thì ở Tà Chì Nhù lại ngược lại. Khi xem trên website, với độ khó 7/10 bằng hoặc thậm chí thấp hơn những đỉnh núi tôi đi, tôi rất tự tin rằng mình có thể chinh phục đỉnh này dễ dàng hơn khi đã trang bị quần áo chống nước thay vì quần cotton như lần trước và 1 đôi giày trek rất chắc chắn, chống thấm nước. Tôi còn nhớ, một người chị trong đoàn leo Nhìu Cồ San đã từng dạy tôi điều này “Mountains have a way of dealing with overconfidence” – “Các ngọn núi luôn có cách xử lí những kẻ thừa tự tin”. Và đúng là như vậy.
Ngủ trưa.
Buổi chiều, chúng tôi đi bộ qua những ngọc đồi, đi qua những lớp mây đầy sương. Trải nghiệm trekking lần này cũng khá thú vị khi tôi không còn chỉ chăm chăm nhìn xuống đất để đi cho cẩn thận và để băng băng về đích nữa. Đi chốt đoàn thực sự đem đến 1 cảm giác chill đến lạ. Vừa đi, vừa có thể thưởng ngoạn khung cảnh. Nhưng chỉ khổ bạn supporter cứ phải giục mọi người để cho kịp lịch trình.
Sống khủng long Tà Chì Nhù
Khung cảnh khi đi qua sống khủng long này thật tuyệt vời, cảm tưởng như đang đi trên biển mây. Thiên nhiên đúng là tuyệt vời, dù cho có dùng điện thoại chụp 7749 tấm hình lại cũng không thể thu được hết vẻ hung vĩ của những đỉnh núi với sự vô tận của biển mây. Chúng tôi chỉ có thể cảm nhận điều đó ở hiện tại, ở ngay khoảnh khắc đó, ở ngay chính đoạn đường này.
Đoạn đường tiếp theo thì khá dễ đi, có vài cú dốc và cứ thế, leo qua 2 quả đồi nữa chúng tôi tới lán. Lúc đó, khoảng 5h30 trời vẫn còn khá sớm. Khi trời tối đen như mực, gió rít từng cơn, thì lúc đó bầu trời đầy sao xuất hiện. Đã rất lâu rồi chưa được ngắm bầu trời nhiều sao đến thế, chi chít chi chít. Sáng rực cả bầu trời ban đêm, điểm xuyết rất nhiều chấm sáng. Tiếc là không thể phơi sáng bầu trời hôm đó. Nhưng cũng không sao, ngọn núi đã dạy cho chúng tôi phải sống cho hiện tại, phải tận hưởng khoảnh khắc đó. Người nào người nấy mặc áo phao to đùng, rét run cầm cập, mồm thì cứ xuýt xoa vì lạnh nhưng mặt thì vẫn ngẩng để ngắm sao. Ai nấy cũng đều vui vẻ hạnh phúc vào giây phút đó.
Ăn tối xong xuôi, mọi người nghỉ ngơi để lấy sức hôm sau leo đỉnh. Còn lũ trẻ trâu chúng tôi chuẩn bị đón năm mới với cùng với những người dân Nhật Bản. Phải mất 15p chúng tôi mới có bản nhạc của ABBA, countdown 10s và hát Happy new year.
Đi ngủ. Ngủ ở lán này khá lạnh. Tôi tỉnh giấc lúc 2h sáng vì lạnh, xong cũng chằn chọc không ngủ được.
Ngày trekking thứ 2, đoàn chúng tôi bình minh lúc 6h sáng. Mọi người rủ nhau đón cảnh mặt trời mọc ở lán. Cũng như nói ở trên, thiên nhiên hung vĩ và đẹp mê hồn nhưng điện thoại thì không thể lưu giữ được toàn bộ khung cảnh như vậy. Và chúng tôi chỉ có thể cảm nhận vẻ đẹp đó trong hiện tại và may mắn thì có thể lưu trữ nó trong kí ức về Tà Chì Nhù. Vừa ăn sáng trên mây, vừa ngồi ngắm mặt trời mọc bên cạnh ly cafe thì chill khỏi nói. Quá đỉnh!
Bình minh ngày đầu tiên của năm mới trên lán. Góc chụp từ chỗ ngồi ăn sáng.
Ăn sáng xong xuôi, chúng tôi lại chuẩn bị đồ cho hành trình chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù cao 2979m so với mực nước biển.
Để nói về độ cao của một ngọn núi, có khá nhiều định nghĩa nhưng phổ biến nhất là tính chiều cao theo mực nước biển. Nếu tính theo mực nước biển thì hẳn nhiên Everest là đỉnh cao nhất. Nhưng đó là do Everest được nâng đỡ bởi dãy Himalaya với độ cao trung bình 4000-5000m. Chứ nếu tính từ chân núi đến đỉnh núi, thì chóp núi Kilimanjaro dù thấp hơn Everest gần 3000m nhưng nó cao 5600m từ chân núi so với Everest chỉ nhô cao 5200m. Để dễ hình dung thì có thể so sánh giữa chiều cao của đứa trẻ con đứng trên tầng 2 với một người lớn đứng ở tầng một. Ngoài ra, thì còn có đỉnh Mauna Kea có chiều cao từ chân núi đến đỉnh là 10000m nhưng phần nhô khỏi mặt nước biển chỉ có tí xíu so với 2 ngọn núi trên. Và Chimborazo ở Ecuador cao nhất nếu so với tâm trái đất.
Quay lại với hành trình ngày thứ 2. Khi đã quen với trekking thì đoạn leo đầu cơ thể sẽ thường thở dốc và nhanh mệt. Nhưng khi đã vượt qua trạng thái này, cơ thể sẽ thích ứng khá nhanh, có thể leo đều lên. Leo núi thì không phải là hành trình đi một mạch mà lên được đỉnh. Mọi người cần phải leo qua 5 6 quả đồi, rồi lại xuống rồi lại leo lên dốc thì mới có thể chạm đỉnh theo cách an toàn nhất. Nhiều lúc tôi cũng tự hỏi không biết ai là người tiên phong mở đường cho những ngọn núi này và họ lấy đâu ra sự dũng cảm đến vậy.
Một đoạn đường mòn trên hành trình buổi sáng chinh phục Tà Chì Nhù cùng những bạn đồng hành của tôi
Con dốc đâm thẳng lên đỉnh Tà Chì Nhù
Ảnh cả đoàn chạm đỉnh và nhận huy chương cùng nhau.
Khoảng 11h30 là mọi người đã xuống hết lán để ăn trưa, chuẩn bị cho cơn ác mộng buổi chiều.
Buổi chiều – Khi những màu hồng mà ngọn núi vẽ ra cho chúng tôi, thì giờ là màu đen.
Đúng 2 giờ chiều chúng tôi bắt đầu lên đường (lần hiếm hoi mà chúng tôi đúng giờ).
Ban đầu, chúng tôi xuống núi rất từ tốn, phong cảnh quá đẹp nên mọi người cũng muốn vừa đi vừa ngắm. Bầu trời trong xanh nên nắng khá gắt. Người ta có câu: Phải đi qua những ngày nắng thì mới trân trọng những ngày nóng. Nắng trên núi khác với nắng ở dưới núi, độc hơn, nên bịt kín cơ thể càng nhiều càng tốt, tránh say nắng. Đoạn này đường đi cũng không quá khó khăn, địa hình không quá dốc, đường khô ráo. Lần này, tôi muốn thử cảm giác đi rừng trong buổi tối như nào nên đã gia nhập nhóm chốt đoàn.
Cho đến trước khi đi vào trong biển mây thì chúng tôi vẫn chưa có vấn đề gì. Vấn đề bắt đầu xuất hiện khi chúng tôi bắt đầu chui vào đi trong mây. Đường bắt đầu nhiều con dốc hơn. Mây vừa có thể che cho chúng tôi khỏi nắng gắt của mặt trời, nhưng nó cũng làm con đường đi lại khó khăn hơn nhiều.
Trước khi đi vào trong mây.
Trong lần xuống núi này, thì người chốt đoàn là anh leader với chiếc áo màu cam và balo phát ra tiếng nhạc. Chỉ cần thấp thoáng có màu cam trong rừng hoặc nghe được tiếng nhạc của anh là chúng tôi đã vững tâm hơn nhiều rồi. Về sau mới hiểu tại sao lúc xuống núi lần này là anh chốt đoàn, mới biết tại sao anh liên tục giục chúng tôi đi nhanh lên. Nếu không có anh chắc vừa đi trong rừng vừa khóc mất.
Ngoài lề một chút, 1 tip chọn mua giày đó là bạn nên + 0.5-1 size so với giày bình thường, rồi sau đó đi tất dày, hoặc 2 lớp tất là vừa. Tránh cho ngón chân bị ma sát với mũi giày, và có thêm lớp đệm cho bàn chân khi xuống núi.
Đoàn chốt đoàn chúng tôi có 3 người: tôi, bạn tôi và chị porter. Bạn tôi, do lần đầu đi trekking, không chuẩn bị kĩ càng nên bước đi khá khổ sở, cần chị porter dắt đi. Hai anh em cứ vừa đi vừa nói chuyện. Chỉ thương chị porter vác đồ thì nặng mà đi cùng với lũ đi rõ chậm.
Tôi có thử đeo cái gùi của chị, nặng khoảng 20-30 cân. Vì cũng có tập thể dục nên trước khi đeo thử khá tự tin. Nhưng khi đeo thì nặng quá. Bước đi cũng không được mạnh dạn như trước, vừa đi tôi vừa phải giữ thăng bằng cho từng bước đi. Vậy mà chị porter cứ đi phăng phăng, mà chân còn đi dép tổ ong, các ngón chân của chị còn lòi ra khỏi dép. “Mountains have a way of dealing with overconfidence”. Câu nói này lại văng vẳng trong tôi một lần nữa Tôi đeo cái gùi này được một lúc thì cũng phải bỏ ra nhờ chị đeo vậy. Vừa bỏ ra để quay lại với chiếc balo mà lòng thấy như được giải thoát. Quá khâm phục những anh chị porter!
Nhóm chúng tôi cứ đi tiếp như vậy trong mây mù. Tôi bắt đầu trượt ngã và bạn tôi nhiều lúc cũng phải dùng cả 4 chi để xuống những đoạn dốc gần như dựng đứng do đường đi đã trở nên lầy lội do ẩm ướt.
Khổ thân =))))))))))))))))))))))))))))))))))))
Đến khoảng 4h30 thì chúng tôi đến được chỗ ăn trưa ngày trekking thứ nhất, đi được nửa đường và gặp anh leader. Và chúng tôi bắt đầu bị anh giục đi nhanh lên vì trời sắp tối.
Đến 5h30 chiều. mặt trời lặn, trời bắt đầu nhá nhem tối, nhưng chưa cần dùng đèn pin, nên chúng tôi đầu óc vẫn vô lo vô nghĩ, nghĩ rằng có thể ra khỏi núi mà không gặp quá nhiều vấn đề. Nhưng bây giờ là mùa đông, trời tối rất nhanh, chỉ 30 phút sau trời đã tối hẳn.
Nói về khoảng thời gian chị porter đi lấy đèn pin, thật đáng sợ. Không biết bạn tôi thế nào nhưng tôi cũng bắt đầu sợ. Tôi rất sợ cô đơn, nếu phải đi trong rừng một mình lúc đó chắc là vừa đi vừa khóc mất. Lúc đó cũng tưởng tượng ra mấy cảnh nhỡ mình lạc hoặc chết trong rừng thì sao. Rất may có bạn tôi đi cùng để hai anh em nói chuyện cho đường bớt dài. Khổ thân nó, lần đầu đi leo núi cứ tưởng như đi dạo, cứ thế mang một tâm trạng vui vẻ, không phân vân gì nhiều trước khi đi. Bạn tôi bảo việc phân vân nhất nó mất đến 2 tuần để nghĩ là nên đi đôi Palladium hay nên đi mua đôi giày trek mới để đi cho an toàn. Hậu quả là chiều hôm đó, các ngón chân va vào mũi giày nhiều và rất đau.
Được khoảng 30 phút chúng tôi đi trong cô đơn và sợ hãi thì có ánh sáng từ đèn pin của hai anh chị porter lên hỗ trợ chúng tôi do lúc trước nghe tiếng chúng tôi hú lên rằng không có đèn pin nên anh leader đã nhờ hai anh chị xuống lấy đèn pin và lên hỗ trợ 2 con người dù đã đọc kĩ những gì phải chuẩn bị nhưng vẫn không chuẩn bị đèn pin. Anh leader có gọi vọng lên chúng tôi 2 3 lần nhưng không thấy ai trả lời, đã cực kì lo lắng và nghĩ rằng chúng tôi đã bị lạc.
Chúng tôi cứ đi lần mò trên con đường mòn đó trong không gian tối mịt như vậy. Càng đi, sương xuống càng nặng, đất trên đường mòn nhão nhoét hết cả ra. Bạn tôi có hỏi anh porter rằng: “Đi trekking thế này có nhiều người chết không anh?”. Người ta hỏi thì anh cũng trả lời thật thà: “NHIỀU”. Vâng quá đỗi chân thật và nghiệt ngã.
Đến khoảng gần 7h tối, tức là sau gần 1 tiếng, nhóm 4 người chúng tôi nhìn thấy ảnh đèn pin của những người khác trong đoàn. Mọi người nhìn thấy chúng tôi trong bộ dạng khổ sở, với tóc bết lại vì dính nước trong sương mù mới hỏi thăm xem nó có ổn không. Chúng tôi cũng rất thật thà bảo: “KHÔNG” Nghe chị đồng hành cùng kể rằng lúc trước đấy anh leader đi tìm nhóm tôi nên chị phải đi một mình giữa rừng tối, không đèn pin. Thật là một trải nghiệm đáng nhớ với chị. Nếu như bị lạc thì nên tìm đến nơi có tín hiệu, hoặc làm thế nào để phát ra tín hiệu âm thanh, ánh sáng hoặc nếu có sóng thì sử dụng điện thoại. Chứ không nên chờ ở một nơi đến sáng để chờ cứu hộ vì như thế sẽ chết cóng. Nếu có thể thì tạo ra lửa, cột khói càng cao càng tốt. Nhưng lúc đó, trời sương mù, ẩm ướt, tôi đến đèn pin cũng không có thì làm sao nghĩ ra được chuyện tạo ra lửa. Lúc đó chợt nhớ đến bài học từ một người chú mà tôi rất ngưỡng mộ trên youtube, câu chuyện về mạo hiểm và liều lĩnh, về chuyện chú vào rừng và quản trị rủi ro như nào.
Đến khoảng 8h tối, chúng tôi lại phát hiện ra ánh sáng đèn pin từ xa. Cả đoàn leo núi đang chờ chúng tôi ở trước lối xuống Mỏ Chì. Giây phút đó thật xúc động khi thấy cả đoàn đang chờ những người cuối cùng ra khỏi rừng. Tôi lúc đó, rệu rã, mệt mỏi khác hẳn với lúc bắt đầu xuống. Tôi giống với những người chốt đoàn cùng, đều không ổn. Nghe nói rằng có 2 anh lớn đã xuống xin để chúng tôi có thể đi tắt qua mỏ tránh đi đường suối. Bạn supporter, bắt đầu sắp xếp đội hình để đi xuống núi, phân công các anh chị porter khác thay phiên liên tục trực ở những đoạn đường khó để hỗ trợ khách đi qua.
Ảnh cap ra từ video quay được lúc xuống Mỏ Chì. Ánh sáng đèn vàng từ anh porter và đèn pin màu trắng của bạn supporter.
Đến lúc tới chân mỏ, một bên là sỏi đá vụn từ việc khai thác chì xếp thành đống bên trái cao khoảng 5-10 mét mà chỉ cần bước chân lên là có rất nhiều sỏi đá vụn lăn xuống dưới cứ như đá lở, bên phải là dòng suối đang chảy khá mạnh. Bạn supporter đứng phía bên phải – nơi ngay phía sau chỉ cần xơ xẩy một chút là rơi xuống suối mà chân thì đi dép tổ ong để hỗ trợ mọi người. Vậy mà lúc đó nó vẫn tươi cười trêu mọi người rằng đừng xô nó xuống suối.
Lên được mỏ xong, anh leader bảo chúng tôi đeo khẩu trang để tránh nhiễm độc từ chì. Đoạn này đi là sống rồi, còn toàn vẹn thân thể. Đi đến cổng mỏ thì xe ô tô đã chờ sẵn chúng tôi để ra về. Chờ đến khi mọi người xuống hết là lên xe, đi về homestay nghỉ ngơi, tắm rửa. Ai cũng có vẻ vui vẻ nói chuyện về những gì mình đã trải qua, vừa tự hào nhưng cũng vừa sợ hãi.
Hơn 12h đêm ngày thứ 7, chúng tôi lên xe ra về. Sau 6 tiếng ngủ vạ vật trên xe thì cũng đến nơi. Mọi người xuống xe tạm biệt nhau ra về.
Sau chuyến đi lần này, tôi cũng học được nhiều điều và đã thay đổi về cách nhìn của mình khi đi trekking. Bạn tôi có nói rằng “Sau vài lần trek, giờ mình không còn giữ nguyên cảm giác kỳ vọng về những thứ mình không thể kiểm soát trong mỗi chuyến đi nữa, bớt so sánh giữa các trải nghiệm và chỉ cố gắng cảm nhận đc những niềm zui bé nhỏ ấm áp xung quanh mình thui!”.
7h sáng ngày chủ nhật về đến nhà, đá một bát bún mọc mẹ nấu rồi ngồi viết bài này!
Hà Nội, ngày 2 tháng 1 năm 2022.