“Đi thật xa để trở về” quả đúng với tớ. Tớ lại về với ” ao ta” tớ.
Phần 2: Về ‘ao ta’, tớ học được gì?
Ở ‘đại dương’ nước ngoài mênh mông & thú vị thật đó. Tớ cảm thấy có gì đó vẫn hơi khiên cưỡng và an toàn. Về ‘ao ta’ là mảnh đất hình chữ S đầy thân thương, tớ mới thực chất sống với khái niệm ‘phượt’. Rồi nghe đến giấc mơ ‘4 cực, 1 đỉnh, 1 ngã ba’ của các tín đồ đam mê du lịch, tớ cho vào danh sách ‘những việc cần làm trước khi lên thiên đường’ liền.
Đất Việt ta, tớ thấy cũng tự do chẳng kém gì xứ sở cờ hoa- Ao ta sóng sánh đại dương
2018, tớ chinh phục mái nhà Đông Dương Fansipan. 2019, làm bạn với Núi Bà Đen. 2020, vì dã tâm săn mây nên quyết chí leo Kỳ Quan San cho đã đời. Thế mà chỉ vài tháng sau, đã có bao đỉnh núi và lãnh địa mới xuất hiện mà hoàn toàn do người dân hay phượt thủ tự tìm tòi, phát hiện. Thế là nghiễm nhiên thành một ‘địa danh du lịch’ mới.
Ba năm, ba đỉnh – dưới đây là những điều tớ đã chiêm nghiệm & kiểm chứng; mà tớ tự tin là sẽ có ích cho bạn:
1. Leo núi là sự tôi luyện cho 1 tinh thần thép. Không thì cũng tinh thần đồng/bạc/vàng.
Vì khi leo Kỳ Quan San, tớ bị chuột rút 2 bắp chân cách nhau có 3-4 giây. Lần đầu tiên trong đời, từ ‘đau đớn’ là không đủ để diễn tả cảm xúc đó. Từ tốp dẫn đầu, tớ lọt cuối bảng. Rồi chỉ còn lại tớ và anh porter.
“Đi nhanh lên em không sắp mưa”.
“Mau lên không trời tối dễ bị lạc lắm”.
“Sắp đến chỗ nghỉ / sắp đến đỉnh rồi”.
…chỉ là vài câu nói quen thuộc anh dùng để động viên tớ. Nhưng không, kim chỉ nam của tớ là “lên kịp lán nghỉ trước khi trời tối và quan trọng nhất là kịp lúc ăn”. Lúc này, chỉ còn tớ, nhịp thở, bước chân, và suy nghĩ đó. Cứ thế rồi mạnh mẽ đi tiếp rồi hôm sau tiếp tục lên đỉnh lúc nào không hay.
Với tớ, tinh thần thép ở đây chính là vượt qua những hoài nghi về bản thân. Tớ từng nghĩ sẽ bỏ cuộc. Nhưng rồi các suy nghĩ đánh nhau trong đầu và đứa ‘lì lợm’ chiến thắng. Thế là tớ lên đỉnh ngon lành.
2. Leo núi như món ‘soda sữa hột gà’.
Lần đầu tớ nghe danh & thử thức uống đó là ở Đà Lạt. Sữa đặc, lòng đỏ trứng, nước sô đa. Cái gì cơ, uống thế có bị tào tháo đuổi không nhỉ? Rồi tớ vẫn thử vì bản tính thích khám phá. Nó ngon 1 cách chấn động và có vị như cam sữa. Siêu ngon.
Trước khi leo núi, tớ và 1 người bạn thoạt đầu cũng có mối quan hệ như soda – sữa – hột gà (trứng). Nghĩa là tớ thấy có vẻ không hợp cho lắm. Ai dè, người bạn đó đã xoa bóp cặp giò bị vọp bẻ của tớ 3 lần. Rồi ân cần dặn dò tớ khởi động trước khi leo như thế nào để chân đỡ đau. Sau chuyến đi đó, tớ có thêm 1 người bạn thân & 1 người em trai. Nếu cứ ngồi nhà thì chắc sẽ chẳng có khởi đầu của 1 tình bạn đẹp đâu nhỉ?
3. Leo núi có kết nối với thiền & cực phù hợp với những người ghét hoạt động nhóm.
Leo núi có bè phái cũng vui lắm. Người bật nhạc tăng hứng tinh thần. Người kể chuyện cười. Người chụp ảnh sống ảo cho mình. Người truyền năng lượng từ những cái nắm tay, lời động viên, chia sẻ đồ ăn, chai nước.
Rồi tớ phát hiện ra, dăm ba đoạn tớ đi một mình. Tớ nghe hơi thở phù phù của mình. Rồi cảm nhận tiếng gió gào rú. Chỉ vậy. Trong không gian cực yên tĩnh. Lúc đó mới giật mình ngẩng đầu nhìn lên trời rồi qua trái, qua phải. Mới thấy ôi sao cảnh đẹp quá, sao bông hoa này lạ thế, sao bầu trời xanh thế, sao vệt nắng này ấm quá, sao ngọn núi kia hình như giống sống lưng khủng long.
Những điều này, nếu đi trong nhóm, tớ chưa chắc đã phát hiện ra. Vì mải nhìn đường, nhìn bạn bè xem đi đến đâu để đuổi kịp hoặc chờ đợi. Vì thế, tớ thấy những phút giây một mình thật kì diệu & bình an. Và nhờ vậy, tớ mới thực sự tận hưởng hành trình của mình.
4. Leo núi là sự khởi đầu cho việc làm mới bản thân.
Hay diễn giải đơn giản hơn, là làm những việc bạn chưa bao giờ làm để đạt những thứ bạn chưa bao giờ có.
– Đi mua chiếc ba lô phượt, giày leo núi, miếng dán ấm người, đồ ăn bổ sung năng lượng. Rồi từ đó cũng biết mẹo lót băng vệ sinh dưới giày cho êm chân & hút nước. Hay bôi vaseline để không bị cọ sát dưới da. Bao mẹo sinh tồn, ở nhà chắc tớ khó mà biết.
– Giao lưu với người bản địa, các anh porter, và đội ngũ của TravelUp. Tớ hỏi sao mọi người leo núi nhanh & dễ thế. Họ mới kể từ bé do bố mẹ đi làm xa nhà nên họ cứ thế rong ruổi leo trèo đi chơi mỗi ngày. Từ đó leo siêu giỏi. Càng nói mình mới biết cuộc sống đa dạng như thế nào. Ở thành phố thì tớ đâu biết được những điều này.
– Hay các bài tập bổ trợ cho chân, tay, sức khoẻ nói chung. Chắc chẳng có ngày nào tự dưng tớ lôi ba lô nặng 5 cân ra đeo rồi đi bộ lên xuống mấy tầng nhà để rèn luyện thể lực cho việc leo núi. Ai dè, sức khoẻ từ đó cũng lên hạng 1 chút luôn.
– Rồi là ăn các món ăn miền núi chính thực. Tắm lá người Dao. Không có chỗ cho ‘hàng giả’. Vì đồ ăn được nấu bởi người địa phương luôn mà. Còn tắm lá là trải nghiệm siêu thú vị mà ở Hà Nội bé xinh tớ không biết tìm ở đâu.
5. Và cuối cùng, leo núi là để trân trọng cuộc sống hơn.
Quê hương ta sao đẹp thế.
Người Việt sao tốt bụng, chất phác, và dạn dĩ đến vậy.
Là ngồi đu xích đu trên Núi Muối ngắm đất, thở với trời. Thấy bao nỗi buồn, đôi chân đau, stress cũng tạm thời trôi qua hết.
Không những vậy, trân trọng hơn cả bản thân mình khi dù có bị chuột rút, giày có bong đế hay như thế nào thì cũng đều vượt qua.
***
Đại dương mênh mông vẫy gọi
Đi rồi đừng quên
Trở về trải nghiệm
Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục vẫn là khó phai.
Tớ tin rằng trải nghiệm leo núi của mỗi người là hoàn toàn cá nhân. Vì thế, tớ hóng bạn leo núi ít nhất 1 lần trong đời rồi bổ sung thêm điều 6, 7, 8, 9, 10+ cho bạn & dân tộc mình cùng đọc nha.