Header_bg

Phần 1: Ra ‘đại dương’ – có chắc sẽ vui?

Phần 1: Ra ‘đại dương’ – có chắc sẽ vui?

 

 

Người Hà Nội quê Tam Nông, Phú Thọ.

Tớ cóc biết xem bản đồ giấy.

Các bài tập thể dục hàng ngày là đi bộ và chơi cầu lông.

Xung quanh tầm mắt là xe cộ, nhà cao tầng, quán ăn.

 

‘Bãi biển’ của tớ đơn giản là vậy.

 

***

 

17 tuổi. Tớ qua Anh du học. Lúc này, bãi biển của tớ đã chuyển mình thành đại dương bao la đầy dữ dội.

 

Trước mặt tớ không còn là người Việt nói tiếng Việt mà là các bạn tóc vàng, mắt xanh nói Tiếng Anh và rất nhiều ngôn ngữ khác nhau.

 

Trước mặt tớ không còn là bố mẹ hay bác xe ôm đèo đến muôn nơi & tớ chỉ cần ngồi sau ngắm phố phường. Mà là bản đồ giấy & bản đồ điện tử. Tự mày mò xe buýt hoặc đi bộ.

 

Trước mặt tớ không còn là những bộ môn ‘cây nhà lá vườn’. Mà là rất nhiều các hoạt động thể thao mạo hiểm.

 

Trước mặt tớ không còn là nhà nối liền nhà. Mà là cây nối liền cây.

 

Với sự háo hức kèm trí tò mò đạt đỉnh điểm, tớ đăng ký tham gia giải thưởng của Công tước xứ Edinburgh (Duke of Edinburgh’s Award). Vì hoạt động ngoại khoá này hội tụ 2 yếu tố thu hút một ‘con ếch ngồi đáy giếng’ như tớ: sự mạo hiểm & cơ hội khám phá thiên nhiên. Và 1 trong 5 hoạt động cần hoàn thành để nhận chứng nhận là tham gia vào 1 chuyến dã ngoại ngoài trời.

 

‘Dã ngoại ngoài trời’ – nghe thật đơn giản & háo hức. Hoá ra, tớ được xếp vào 1 nhóm gồm 4 đứa trẻ ham vui khác. Rồi cả lũ bị ‘ném’ ra ngoài đường để tự sinh tồn. Tất nhiên, bọn tớ không một mình. Mỗi đứa có 1 ba lô siêu to 120 lít. Để chia nhau vác lều, vác bếp, ga lửa nấu ăn, đồ ăn, quần áo, la bàn, bông gạc, thuốc men. Tất tần tật mọi thứ để sống sót qua 4 ngày 3 đêm ngoài thiên nhiên. Ban tổ chức có phát thiết bị định vị phòng khi chúng tớ bị lạc. Cả thế giới của tớ thu nhỏ ở chiếc bản đồ giấy. Mỗi ngày, bọn tớ được giao nhiệm vụ đi từ đỉnh A tới đỉnh B. Ngày hôm sau B – C. Rồi lại C-D, E-F. Từ thấp đến cao. Đường trường đến đường mòn. Tất cả đều là tự định vị trên bản đồ giấy, dùng la bàn, tìm toạ độ, rồi cứ thế đi bộ từ sáng đến tối với chiếc ba lô to tổ chảng trên vai. Lên đỉnh núi, nấu ăn rồi nhai nhuyễn từng cọng mì, húp từng ngụm nước nóng. Cắm cọc dựng lều. Tối áp thân thể trong túp lều nhỏ xinh mà lưng chỉ cách đất một tấm vải bạt & chiếc túi ngủ. Nằm nói chuyện rồi ngủ thiếp lúc nào không hay. Và rồi nửa đêm lại tỉnh vì mưa gió quá mạnh, thấp thỏm sợ lều bị cuốn bay mất. Để rồi sáng hôm sau lại thu dọn sạch sẽ mọi rác hữu cơ, thu gom lều trại. Và tiếp tục đi.

 

 

***

 

17 tuổi của tớ  được chăm bẵm bởi rất nhiều ‘lần đầu tiên’. 

 

Lần đầu đi bộ hơn 100 cây số/ngày, sưng mủ khắp chân & ngủ trong lều trại trên núi dưới trời mưa bão. 

 

Lần đầu tiên hiểu thế nào là làm việc nhóm, tinh thần đồng đội. Bởi chỉ có 5 đứa. Yêu ghét như thế nào cũng phải cùng lòng tìm đường rồi thống nhất chọn 1 đường để đi đến điểm trại dừng chân cái đã.

 

Lần đầu tiên biết đến những địa hình thiên nhiên đầy rộng lớn ở Anh Quốc & sống những ngày thở rồi hít hà không khí trong lành, hoà cùng đất mẹ ở Helmsley, Hutton Le Hole, Kirbymoorside, Hovingham và Gillamoor.

 

Ra ‘đại dương’ – cũng vui & xứng đáng đó nhỉ?

 

Nhưng điều tớ ấn tượng nhất đến bây giờ là thực sự hiểu được thế nào là ‘trở về với thiên nhiên’ & ‘tình người’.

 

Được trượt cỏ, được ngắm núi, được học đọc bản đồ giấy thay vì không để xương cột sống nghỉ ngơi khi cúi cổ cắm đầu vào chiếc điện thoại chục tiếng/ngày.

 

Được đi trên những cung đường đủ nắng gió mưa bão. Để rồi hết nước phải vào nhà người dân lạ xin. Thậm chí, buồn đi vệ sinh cũng không dám tè bậy mà chỉ một là nhịn, hai là đợi thấy nhà dân rồi vào xin ‘giải quyết’ nỗi buồn. Mới hiểu được sự ấm áp và tốt bụng ở mọi người.

 

Được ngồi ăn & trò chuyện mà bao phủ là đồi núi, cây cỏ, và những câu chuyện, tiếng cười.

 

 

Vì thiên nhiên đẹp quá nên bọn tớ mới biết cách trân trọng nâng niu nó. Hiểu được tầm quan trọng của ‘du lịch không dấu vết’ (no-trace tourism). Hiểu được thế giới này quả thật rộng lớn và có thật nhiều thứ cần khám phá. Hiểu được sức mạnh vĩ đại của thiên nhiên – truyền năng lượng, chữa lành, hay mang lại cảm xúc vui sướng khi chinh phục thử thách, nơm nớp sợ lạc – tất cả mọi cung bậc cảm xúc, vô hình hay hữu hình, thiên nhiên đều có thể đem lại được. 

 

Chuyến khám phá này đã, bùm / a lê hấp, biến tớ thành một đứa ưa khám phá mạo hiểm hơn. Nhiều người vẫn nói ở ‘ao làng’ làm gì, ra ‘đại dương’ mà vẫy vùng rồi nhìn Thế giới cho thú vị. Mọi người có biết không, ‘đại dương’ cũng vui đó. Vì nơi đó là khởi đầu hoàn hảo cho tình yêu thiên nhiên đất trời của tớ. Còn ‘ao ta’ chính là phép màu xoay ngoắt nhiều suy nghĩ cá nhân & khiến tớ trưởng thành hơn rất nhiều.

 

(Mời bạn đọc tiếp phần 2: Về ‘ao ta’, tớ học được gì?)