Header_bg

“LÀM ĐIỀU MÌNH THÍCH LÀ TỰ DO, THÍCH ĐIỀU MÌNH LÀM LÀ HẠNH PHÚC!”

“LÀM ĐIỀU MÌNH THÍCH LÀ TỰ DO, THÍCH ĐIỀU MÌNH LÀM LÀ HẠNH PHÚC!”

 

 

…Có câu: “Phần còn lại của thế giới (thiên nhiên) có thể tiếp tục sống mà không có chúng ta, nhưng chúng ta không thể tồn tại nếu thiếu đi chúng”. Câu nói này ý chỉ đến tầm quan trọng của thiên nhiên đối với con người. Trong mối quan hệ 2 chiều, thì thiên nhiên có thể tồn tại độc lập, thế nhưng con người chúng ta thì không thể nếu thiếu đi nó. Vậy nên việc bảo vệ môi trường là thực sự cần thiết, nếu bạn không thực hiện ngay bây giờ thì thế hệ tương lai, mà có khi chính là con, là cháu các bạn sẽ phải gánh chịu hậu quả. Hơn nữa, bất kỳ một loại hình du lịch nào, “phát triển” phải luôn đi đôi với “bảo vệ”. Trekking cũng không nằm ngoài điều đó, đây còn là một loại hình du lịch sinh thái nên tôi nghĩ việc bảo vệ môi trường càng phải được đề cao…

 

 

 

Tà Chì Nhù là đỉnh núi gần đây nhất mà tôi tham gia Trekking, nói gần nhưng cũng không hẳn là gần lắm, từ những tận tháng 10 năm ngoái, tính tới thời điểm tôi viết những dòng này cũng gần một năm rồi ấy nhỉ? Khoảng thời gian từng ấy khiến nhiều điều đã dần phai nhoà, rơi rớt, hay thậm chí bị tâm trí tôi bỏ quên. Nhưng vẫn luôn có những kỷ niệm, những khoảnh khắc sẽ còn lại mãi.

 

Cũng như những lần khác, khi quyết định tham gia một chuyến leo núi, tôi chỉ đơn giản là xem thời gian tổ chức chuyến đi có phù hợp với mình không rồi đăng ký tham gia tour Trekking đó. Vậy nên chuyện có gặp được thời tiết thuận lợi để di chuyển dễ dàng, hay ngắm được biển mây hay không… hoàn toàn mang tính ngẫu nhiên, may rủi. Và thật không may, chuyến đi này tôi đã rơi vào ô “đen”.

 

Ngay sau khi đoàn chúng tôi xuất phát được khoảng hơn 1 tiếng, trời đã bắt đầu đổ mưa khá nặng hạt, ai nấy khi đó đều nhanh chóng lôi áo mưa ra mặc thật nhanh. Nếu nói trong chuyến hành trình ai là người vất vả nhất, thì tôi thấy đó là mấy anh chị Porter. Bởi anh chị phải mang đồ phục vụ cho cả đoàn, gồm lều gấp, một số nồi niêu, bát đũa, thực phẩm cho mọi người ăn 2 ngày trên núi. Lúc này anh chị cũng vội vã lôi áo mưa trong gùi ra che chắn cho đồ đạc, nhất là gạo, cùng những túi ngủ. Bởi đêm trên núi rất lạnh, nếu túi ngủ mà ướt thì đêm nằm có khi lại đóng đá ấy chứ!. Mấy cái túi ngủ cũng không quá nặng, nhưng nó lại khá cồng kềnh khi gùi sau lưng, nên trời mưa cũng làm cho việc di chuyển của mấy anh chị thêm phần khó khăn.

 

Vận áo mưa xong mọi người lại tiếp tục tiến bước. Do mưa nên con đường bắt đầu trở nên trơn trượt hơn, mỗi thành viên trong đoàn bước từng bước thêm cẩn thận và chắc chắn, nhất là những khi gặp những con dốc gắt. Bởi độ cao của con dốc lúc này sẽ tỉ lệ thuận với lực nặng của cơ thể dồn vào đôi chân bạn, nên nếu không cẩn thận bạn có thể bị trượt, mất chân trụ và té ngã. Cơ mà lúc này chiếc gậy chống sẽ phát huy tác dụng (nếu bạn có sử dụng), bởi nó sẽ giúp chia bớt lực cơ thể của bạn dồn vào 2 chân, cũng như tạo thêm một điểm nương tựa vững chắc. Ngoài ra thì loại giày dép bạn mang trên chân của mình, nếu bám dính tốt cũng là một lợi thế, không chỉ trong trường hợp này đâu mà còn trong suốt cuộc hành trình nữa ấy. Đa phần mọi người sẽ lựa chọn cho mình một đôi giày chuyên dùng cho trekking loại cổ cao, nhưng cũng có một số người lại chọn phương án khác như đeo ủng, hay dép tổ ong. Tôi thấy mỗi loại giày dép đều có ưu, nhược điểm riêng nhưng tuỳ vào thói quen, cơ địa của mỗi người nên dẫn tới sự lựa chọn là khác nhau (hãy chọn thứ phù hợp nhất với bạn nha! Dĩ nhiên không phải là mấy loại giày chanh sả dành cho đi chơi đâu nhé! :)).

 

Cứ như thế, chậm mà chắc đoàn chúng tôi tiếp tục bước đi, mặc cho cơn mưa kia nặng hạt. Qua vài đoạn dốc rồi đường cũng thoai thoải hơn, mưa cũng ngớt dần rồi tạnh hẳn. Rồi lại là một vài đoạn dốc,… cơn mưa lại tiếp tục ập đến, bầu trời theo đó mà cũng lúc hửng sáng lúc lại xám xịt một màu đen mờ mờ tối tối. Đoàn chúng tôi từng người cởi bỏ áo mưa, người cầm tay, người gấp gọn nhét vào ba lô di chuyển chưa được bao lâu lại phải lôi ra mặc, tốc độ di chuyển của cả đoàn vì vậy mà cũng lúc chậm lúc nhanh. Tiếng nước mưa rơi lộp bộp trên áo mưa, hoà cùng âm thanh lao xao, rì rào của rừng núi, của những cơn gió khẽ lướt qua, tất cả tạo nên một cảm giác đồng điệu đến khó tả, giữa đoàn người nhỏ bé chúng tôi bên núi rừng bao la hùng vĩ…

 

 

Đi qua đoạn “đồi 3 cây” (gọi là đồi 3 cây, không biết có phải không nhưng theo tui thấy thì do có 3 chiếc cây thân gỗ cô đơn, cao lớn, nổi bật hơn những cây xung quanh nên gọi là vậy), đến một khoảng đất trống khá rộng rãi, cả đoàn dừng lại ăn trưa. Vừa ăn các thành viên trong đoàn cũng vừa bắt chuyện, làm quen với nhau thêm, vì thế mà không khí hết sức náo nhiệt. Tiếng cười đùa vui vẻ, có những lúc át cả âm thanh lúc trầm lúc bổng của cơn mưa…

 

Một trong những điều tôi thích nhất khi đi trekking, đó chính là cảm giác được tắm mình dưới tán lá của khu rừng nguyên sinh cổ thụ. Trải qua nhiều địa hình với chủ yếu là quần thể các loại cây bụi chỉ cao tầm trung và thấp, giờ đoàn chúng tôi đang ở trong một khu rừng thực sự như thế. Chúng tôi giống như một đàn kiến nhỏ đang miệt mài hành quân. Còn khu rừng giống như một người mẹ đang ôm ấp, bảo vệ đàn kiến. Âm thanh của mưa lúc này cũng lắng trầm hẳn xuống. Tôi còn ngửi thấy rõ thứ mùi hương ngai ngái đặc trưng của lá cây hoai mục, quyện cùng hương đất mùn ẩm ướt bốc lên, một thứ mùi cho tôi cảm giác thân thuộc, giống như mùi hương của rơm lúa mới vào những vụ mùa của tuổi thơ.

 

Những cây thân gỗ lâu năm to lớn, cao trung bình 20-30m vươn lên trời cao, xoè rộng tán lá của mình, che chở cho những cây nhỏ ở tầng thấp hơn phía dưới. Rồi những cây ở tầng thấp hơn đó lại tiếp tục bao bọc cho những cây thấp hơn, thân bò, thân leo, thân thảo… Tất cả chúng tạo thành các tầng lớp phân hoá rõ rệt nhưng luôn nương tựa vào nhau, bảo vệ lẫn nhau để cùng tồn tại và phát triển. Bất giác tôi nghĩ về hình ảnh các thành viên trong đoàn, rồi lại liên tưởng tới cộng đồng, Xã hội,… chẳng phải cũng cùng có sự tương đồng như vậy hay sao?. Nhưng thật đáng buồn, thay vì sống hoà hợp, nương tựa, con người lại thường có xu hướng thích cách chinh phục và làm chủ tự nhiên hơn. Với chính đồng loại của mình thì vì lợi ích cá nhân có khi còn loại trừ nhau nữa. Tôi cảm giác những cánh rừng nguyên sinh luôn ẩn chứa điều gì đó sâu thẳm kì bí!. Không biết chúng đang an nhiên tự tại, hay cũng đang trầm lắng suy tư về thế hệ tương lai của mình…???. Chợt có tiếng nói vang lên: “Đi tiếp thôi em ơi!”. Ngoái lại gần phía sau, tui thấy anh Leader cùng 2 thành viên nữa trong đoàn đang bước đến. “Vâng ạ!”. Thoát khỏi dòng suy nghĩ vẩn vơ, tôi tiếp tục bước đi để theo kịp top phía trước.

 

Đã hơn 2 giờ đồng hồ kể từ bữa trưa của chúng tôi, lúc này cả đoàn dường như ai cũng đã thực sự thấm mệt. Thời tiết vẫn thất thường như tính tình của một cô gái, dở dở ương ương không thể lường trước, có khi lất phất vài hạt, có khi mưa như trút xong rồi lại tạnh rõ nhanh. Lúc này để ý tui mới nhận ra cái áo phông tui mặc đang ướt sũng mồ hôi. Cái cảm giác trong nóng ngoài lạnh thật khó chịu, có khi bạn sẽ có vài cơn rùng mình rồi sởn gai ốc nhè nhẹ nữa. Lúc này, bạn sẽ nghiệm ra việc chuẩn bị nền tảng ý chí cũng như thể lực trước khi đi trekking quan trọng đến thế nào. Những vật dụng khác (giày dép, găng tay, gậy chống, bla! Bla!…) có hoàn hảo đến mấy cũng chỉ là công cụ hỗ trợ bên ngoài. Không tính tới một số trường hợp bất khả kháng, thì “ý chí” và “thể lực” mới là 2 thứ nội tại quyết định thành bại của chuyến đi, tôi sẽ nhấn mạnh vào yếu tố “Ý CHÍ”. Vậy nên các bạn hãy chuẩn bị cho 2 yếu tố này ở ngưỡng cao nhất trước mỗi chuyến trekking của mình nha.

 

Mặc cho cái cảm giác nóng lạnh tréo ngoe ấy, dù không thực sự đói nhưng tôi vẫn bới tìm cái bánh lương khô trong ba lô mình ra bóc ăn. Lương khô vẫn là thứ thực phẩm phụ tôi chọn cho mỗi chuyến đi. Ưu điểm của nó là giàu dinh dưỡng, ăn chắc dạ và no lâu hơn so với một số loại bánh trái khác. Nhược điểm duy nhất tui thấy ở nó là mắc răng và dễ bị nghẹn nên cần dùng kèm với nước. Đương nhiên, tuỳ khả năng và sở thích mà bạn có thể mang thêm nhiều loại đồ ăn khác như: chuối, táo, C sủi… À, nói đến nước uống tui mới nhớ. Bạn nên tìm hiểu, tốt nhất là hỏi trước về quãng đường mình sẽ đi xem có qua nhiều suối nước hay không. Nếu có thì bạn không cần mang quá nhiều nước theo, ví dụ: được phát 4 chai thì bạn chỉ cần mang 2 chai đi là đủ. Trên đường nếu hết thì qua các khe suối bạn có thể bổ sung. Hoặc nếu bạn tự chuẩn bị được bình đựng mang đi thì hết sảy luôn á! (:

 

Tu vài ngụm nước, nhét cái vỏ lương khô vào ba lô tôi lại cùng cả đoàn tiếp tục lên đường. Cuối cùng thì sau bao khó khăn, khoảng 6 rưỡi tối, toàn bộ các thành viên trong đoàn chúng tôi cũng đã về tới điểm dừng chân để cắm trại và nghỉ qua đêm. Thật oái oăm khi gần về tới điểm nghỉ chân trời lại trút thêm một cơn mưa lớn với sức công phá quá mạnh, vượt quá giới hạn chống chịu của những bộ giáp mặc 1 lần, làm cả đoàn chúng tôi ít nhiều ai cũng bị dính nước mưa hết, có người ướt như chuột lội. Tui lo nhất là chiếc ba lô, nhưng thật may mắn quá đi, nó chỉ bị ướt một chút phía trên và gần dưới đáy, phần ngăn chính đựng quần áo không sao. Lúc này đúng là phải dùng câu “mừng rớt nước mắt”.

 

Khu cắm trại nằm ở độ cao khoảng 2400m, là một bãi đất đã được cải tạo sơ qua cho tương đối bằng phẳng để việc dựng lều được thuận tiện hơn. Xung quanh chỉ toàn các loại cây bụi nhỏ và thấp. Cách khu trại vài chục mét có khe nước nhỏ để tiện lấy nước nấu nướng, sinh hoạt. Cơ mà nếu bạn có đang phân vân không biết dùng nước ở suối tắm được không thì tui nghĩ là cũng khá ổn đó! Tại nước lạnh như nước đá ấy nên chắc không sao đâu! ^_^

 

Tôi bấm sáng màn hình điện thoại: “8:05”. Lúc này gần như các đoàn đã ăn tối xong (trừ một số đoàn tui quan sát thấy họ có part 2 luôn á!), trời có gió nhẹ, đã ngưng hẳn mưa, chắc cũng phải từ khoảng nửa tiếng trước rồi, tuy vậy bầu trời vẫn có những đám mây xám xịt vần vũ. Xung quanh phóng tầm mắt ra xa là một màn sương mù mịt huyền ảo. Không khí khá lạnh và buốt, tôi thi thoảng vẫn hơi rùng mình, phần vì lạnh, phần vì cũng tại dư chấn từ nước mưa. Nhìn vào thực tại với những gì đang diễn ra, tôi cũng chẳng còn mấy hy vọng hay mơ tưởng gì lắm về biển mây này nọ, view 360 độ, hay những đồi hoa Chi-pâu tím mộng mơ vào sáng ngày mai…

 

Đang mông lung  thì chợt lúc ấy, trời bỗng trong và sáng hẳn lên, màn sương mờ ảo tan biến nhanh chóng, những đám mây đen cáu kỉnh cũng đã trốn đi đâu mất. Mặt Trăng xuất hiện một cách đột ngột và cũng thật bất ngờ, làm khu cắm trại của chúng tôi bừng sáng lên trông thấy. Mọi người kéo nhau ra quan sát một vùng trời sáng rực ở phía xa xa. Tôi cùng các thành viên trong đoàn cũng ra góp vui cùng, thì ra cái vùng sáng đó chính là ánh đèn điện của thị trấn Trạm Tấu. Tôi có thể thấy rõ cả thị trấn nằm gọn lỏn trong một thung lũng, xung quanh là núi non trùng điệp. Phía trên cao có mấy đám mây bồng bềnh, nhìn như những cây cầu được làm từ dải lụa trắng vắt ngang dọc qua thung lũng, nối từ ngọn núi này sang ngọn núi kia. Trong khoảnh khắc đó, tui bỗng lại có thêm một chút lạc quan vào thời tiết buổi sáng mai. Ai biết đâu được…

 

 

Sáng sớm hôm sau, tôi dậy đánh răng, rửa mặt rồi cùng cả đoàn ăn sáng, sau đó tự thưởng cho mình một cốc cà phê nóng hổi. Như anh Leader đã thống nhất với cả đoàn vào tối hôm trước, đúng sáu rưỡi sáng hôm nay, đoàn sẽ xuất phát lên đỉnh Tà Chì Nhù. Có nhiều đoàn đã xuất phát từ lúc 4h, 5h trước đó. Lúc chúng tôi xuất phát, không gian bao phủ tứ phía là một màn sương khói hư ảo, cách nhau quá 3 mét đã chẳng nhìn thấy nổi mặt nhau. Và gần như suốt cả chặng đường đều là một khung cảnh mờ mịt như thế. Tự nhiên khi này tôi lại liên tưởng tới hai câu thơ của Hàn Mặc Tử: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh, ai biết tình ai có đậm đà?”.

 

Khi di chuyển được khoảng 1/2 chặng đường, địa hình lúc này gần như toàn bộ là thảo nguyên, bất chợt tôi bắt gặp những bức tường cao trung bình từ 1 mét rưỡi cho tới 2 mét, nhìn qua giống như các bức tường thành ngày xưa. Điều đặc biệt là chúng được xếp hoàn toàn thủ công bằng tay từ nhiều tảng đá lớn nhỏ khác nhau, do chính người dân nơi đây xây dựng, qua nhiều thế hệ khác nhau. Do sương mù nên tôi không thể quan sát được hết tất cả cấu trúc, nhưng có thể thấy một số bức tường xếp quây thành các ô lớn, một số lại trải dài như để ngăn chia đường biên. Tò mò tôi mới hỏi anh Porter thì được biết, những bức tường được dựng lên không nhằm mục đích gì khác ngoài để ngăn cấm gia súc và phân chia đường biên giới, giữa đất của khu này với khu kia. Gia súc ở đây là ngựa, trâu, dê,… trên đường đi tui cũng đã gặp một đàn với 3 chú ngựa. Ở đây người dân bản địa chủ yếu chăn nuôi gia súc bằng cách thả và cho ăn tự nhiên như vậy, đến khi nào cần họ mới lên bắt đem đi bán. Một số đoạn tường phân chia tui còn thấy có những đoạn rào chông bằng thân cây gỗ lớn vót nhọn rồi chĩa ra ngoài, giống y hệt cảnh trong phim đánh trận thời xưa. Tất cả tạo nên một khung cảnh thật kỳ vĩ, bí ẩn và có chút gì đó siêu thực. Tự dưng tôi thấy nghi ngờ câu nói: “Chỉ để ngăn cấm gia súc thôi!” của anh Porter khi nãy.

 

Khoảng 8h20, đoàn chúng tôi cũng đã lên tới đích. Chiếc đỉnh inox hình tam giác 3 mặt, với dòng chữ khắc chìm: “TÀ CHÌ NHÙ_2979m” đã hiện ra. Chúng tôi chụp ảnh riêng cho nhau, chụp ảnh chung cùng nhau, rồi “selfie” các kiểu, tạo dáng các thứ, các thứ… những khoảnh khắc đó giờ ngẫm lại tôi thấy bình yên đến lạ kỳ.

 

Bó hoa của một chị trong đoàn…

 

Xong xuôi cả đoàn nhất trí khởi hành, tiếp tục hành trình trở về điểm cắm trại để ăn trưa, sau đó là xuống núi. Chặng quay về này mấy anh Porter có dẫn chúng tôi đi rẽ theo một nhánh đường mới, khác với con đường lúc lên, bởi ở nhánh đường này chúng tôi sẽ gặp nhiều hoa Chi-pâu hơn. Và đúng là chúng tôi đã đi qua những quần thể hoa chi-pâu rất lớn, tạo thành cả một dải, một triền núi hoa Chi-pâu. Nhưng màn sương mù dày đặc đã che lấp tất cả, dập tắt hoàn toàn mọi tia hy vọng cuối cùng của mấy chị trong đoàn chúng tôi. Qua màn sương tất cả chỉ còn là lờ mờ, mơ màng và trắng xoá. “Chi-pâu có nghĩa là gì vậy ạ?”. Tui hỏi cô Porter trên chặng đường trở về. “Chi-pâu là tiếng của người bản địa, có nghĩa là: không biết”. Cô nói với tôi. Ra là vậy, thì ra hoa “chi-pâu” là hoa “không biết”, do không biết là hoa gì nên đặt tên là “không biết” luôn.

 

 

Khoảng 11h kém đoàn chúng tôi về tới khu cắm trại. Trời lúc này có mưa nhỏ, chúng tôi cùng một số đoàn còn lại ăn cơm trưa (tại có nhiều đoàn đã xuống núi từ trước đó). Ăn xong chúng tôi cùng nhau thu dọn lều trại, đồ đạc rồi xuống núi. Lúc khởi hành xuống núi trời lại bắt đầu mưa nặng hạt. Cơ mà, chợt để ý tui mới nhận ra rằng mình chưa chụp ảnh cùng cái xích đu. Vào những hôm thời tiết đẹp, xuất hiện biển mây thì với chiếc xích đu này bạn sẽ có được cảm giác như bay trên mây luôn. Tui vốn đã định chụp vài bức hình với nó xong lại quên béng mất. Thôi vậy, có duyên biết đâu sau này ta sẽ còn gặp lại nhau! (:

 

Bát canh rau cải gừng ấm nóng trước khi xuống núi! Em cảm ơn mấy anh chị Porter nhiều!

 

Chặng đường trở về sẽ gần như là đối ngược lại với chặng đường lúc đi. Khi đi lên bao nhiêu con dốc thì lúc này, bạn sẽ phải xuống từng ấy con dốc. Lúc lên chùn chân mỏi gối bao nhiêu thì lúc này cũng lại chùn gối mỏi chân bấy nhiêu. Những con dốc đất đỏ đã trơn trượt do nước mưa, giờ được nhiều đoàn đi qua, chẳng khác nào như hổ mọc thêm cánh, lại càng thêm bóng láng và nguy hiểm hơn nữa. Một mẹo nhỏ mà tui nghĩ nó sẽ luôn hiệu quả khi áp dụng cho việc xuống dốc, bất kể nắng hay mưa, đó chính là bạn nên xoay cơ thể của mình theo hướng ngang so với con dốc. Cũng tương tự như người chơi trò lướt ván ấy, khác là thay vì đứng xoay ngang trên ván thì ở đây bạn sẽ đứng xoay ngang trên con dốc và trượt đi. Việc này sẽ giúp cho bạn tăng thêm ma sát ở chân, giảm trơn trượt, cũng như bạn có thể sử dụng cả tay để phụ giúp nữa (nếu có gậy chống thì kiểu đi này nó sẽ giúp bạn được rất nhiều đó).

 

Một kiểu xuống dốc khác, đơn giản và dễ thực hiện hơn, đó chính là kiểu “xô-lô”. Bạn chỉ cần xoay hướng mũi chân và cơ thể của mình xuôi theo chiều xuống của con dốc, ngồi xổm xuống, hai tay chống sang hai bên, giống như mái chèo đẩy cơ thể của mình nhẹ nhàng trôi đi tự do. Ưu điểm lớn nhất của cách này là bạn không cần phải vận quá nhiều sức lực để hãm cơ thể của mình lại khi lao xuống (thực ra bủn rủn hết rồi còn đâu sức mà hãm). Nhược điểm sẽ là bạn rất dễ bị ngã dập mông, rách sau quần, hay đau các đầu mũi chân, 2 tay dễ bị trầy xước (lúc này găng tay sẽ là vật dụng hỗ trợ đắc lực cho bạn).

 

Cứ khi nào đó mà một thành viên trong đoàn tui không may trượt chân té ngã, các thành viên khác lại được dịp tếu táo hùa nhau: “Lại vồ ếch rồi kìa!”. Và sau đó thường là một tràng cười không thể kiểm soát, vô tiền khoáng hậu. Ngay cả nạn nhân vừa bị con dốc hại xong cũng còn ngồi cười ngặt nghẽo 🙂 Chính tôi nhiều lúc chứng kiến từ phía sau cũng chẳng thể kịp nhặt cái hàm của mình lên nữa!. Khi khớp chân, khớp gối của bạn đã mỏi rã rượi, các bó cơ chân, cơ đùi đã mềm gần như bún, bạn sẽ hiểu ngay cái cảm giác phó mặc bản thân trôi theo con dốc (giống như câu lục bình trôi sông) là như thế nào thôi. Và hiển nhiên lúc này bạn sẽ chẳng thể kiểm soát nổi việc bản thân mình “vồ ếch” đâu ^_^ Suốt chặng đường đi, có những thành viên trong đoàn tôi không biết đã bao nhiêu lần té ngã, có chị số ếch bắt được khéo phải lên đến cả rổ. Đấy là chưa kể đã được các anh Porter, anh Leader giúp đỡ, nắm tay nâng niu dìu dắt, làm điểm nương tựa một cách nhiệt tình, chứ nếu không tui nghĩ số ếch khéo phải lên đến cả thúng (: Tuy là thế, nhưng cũng bởi đó mà chặng đường lúc về lại vui hơn bao giờ hết. Tiếng cười nói rôm rả tạo nên nguồn năng lượng tích cực cho cả đoàn, giúp các thành viên quên đi bao mỏi mệt, quên đi thời gian mà di chuyển nhanh hơn…

 

Khoảng 17h, tất cả các thành viên trong đoàn đã xuống tới điểm tập kết (Khu Mỏ Chì). Ai ai cũng ít nhiều lấm lem, bê bết bùn đất, nước mưa, mồ hôi… nhưng bù lại đó là những nụ cười rạng rỡ, sự vui tươi, cũng có khi là xen lẫn một chút thở phào hiện rõ trên khuôn mặt từng người. Chúng tôi sau đó đón xe ôm đi ra chỗ để xe ô tô, rồi lên ô tô trở về thị trấn Trạm Tấu…

 

Có một điều nữa mà tôi vẫn muốn chia sẻ thêm cùng các bạn, đó là thật buồn khi trên suốt chặng đường trekking, tôi vẫn thấy đâu đó một số nơi rác bị vứt bừa bãi, bởi một ai đó thật vô tâm. Có thể đó là chai nhựa đựng nước, cái áo mưa dùng một lần, vỏ kẹo Dynamite, vỏ bánh Choco-pie, lon nước coca, pepsi,… và còn vân vân và mây mây thứ khác nữa. Không giống như việc bạn ăn một quả chuối, hay một quả cam rồi ném vỏ ra đường, do là rác hữu cơ nên chúng sẽ phân huỷ nhanh chóng. Những loại rác mà tôi muốn nói tới, đó chính là rác vô cơ, mất thời gian rất lâu chúng mới bị phân huỷ, nhất là rác thải nhựa. Ví dụ như chai nhựa đựng nước: Mất từ 450-1000 năm. Túi nilon: 10-100 năm. Bàn chải đánh răng: Trên 500 năm. Đầu mẩu thuốc lá: 10-15 năm. Và thực ra nhựa không thể tự phân huỷ sinh học (giống như rác thải hữu cơ), chúng chỉ có thể bị phân huỷ dưới ánh sáng mặt trời (rất lâu) hoặc phân rã thành các mảng nhỏ, tạo thành các hạt vi nhựa, hoà lẫn vào đất, nước, không khí… Và bạn có biết, nhựa cũng chính là thứ tạo nên những đảo rác nổi khổng lồ trên biển, có đảo kích thước còn ngang bằng diện tích lãnh thổ Mexico?.

 

Có câu: “Phần còn lại của thế giới (thiên nhiên) có thể tiếp tục sống mà không có chúng ta, nhưng chúng ta không thể tồn tại nếu thiếu đi chúng”. Câu nói này ý chỉ đến tầm quan trọng của thiên nhiên đối với con người. Trong mối quan hệ 2 chiều, thì thiên nhiên có thể tồn tại độc lập, Thế nhưng con người chúng ta thì không thể nếu thiếu đi nó. Vậy nên việc bảo vệ môi trường là thực sự cần thiết, nếu bạn không thực hiện ngay bây giờ thì thế hệ tương lai, mà có khi chính là con, là cháu các bạn sẽ phải gánh chịu hậu quả. Hơn nữa, bất kỳ một loại hình du lịch nào, “phát triển” phải luôn đi đôi với “bảo vệ”. Trekking cũng không nằm ngoài điều đó, đây còn là một loại hình du lịch sinh thái nên tôi nghĩ việc bảo vệ môi trường càng phải được đề cao!

 

Vậy khi tham gia trekking, bạn cần làm gì để giải quyết vấn đề nêu trên? Đầu tiên tôi sẽ nói về mỗi cá nhân trước. Các bạn chỉ cần làm đúng theo chỉ dẫn của câu nói quen thuộc: “Không lấy gì đi ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân”. Khi đi vào núi bạn mang theo gì thì khi ra khỏi bạn cũng hãy mang tất cả trở ra (dĩ nhiên là một số loại rác hữu cơ bạn có thể để lại ^^). Và để giảm bớt lượng rác vô cơ bạn có thể tạo ra trong suốt chuyến đi thì bạn nên tối giản hay thay thế một số vật dụng mang theo. VD: Có nhiều thứ bạn bắt buộc vẫn phải dùng túi nhựa đựng để chống nước, thay vì mỗi thứ đựng vào một túi riêng, thì bạn có thể đúc một số đồ chung vào một túi. Hoặc chuẩn bị sẵn cho mình một cái áo mưa xịn sò để dùng nhiều lần thay vì dùng áo mưa mặc 1 lần đã hư. Hay chuẩn bị bình mang nước (như tôi đã nêu từ trước đó)…

Nếu mỗi thành viên tham gia trekking đều thực hiện đúng như câu nói nêu trên thì lượng rác có hại thải ra núi rừng đã gần như bằng 0 rồi (vì bạn đã mang hết rác ra khỏi rừng nên đương nhiên là bằng 0). Điều này đòi hỏi sự tự ý thức, nhận thức của mỗi người, không thể ép buộc, nên cũng khá khó để được 100%. Nhưng cho dù không một ai trong đoàn thực hiện hết, thì bạn cũng đừng nản chí thối lui rồi giống như họ nha, bạn hãy nhớ câu nói này: “Có một sự thật không thể chối bỏ, rằng một nhóm nhỏ công dân có ý thức và tận tâm có thể thay đổi cả thế giới”.

 

Kế tiếp, là một phần trách nhiệm của đơn vị đứng ra tổ chức Tour trekking (nếu có). Như ở chuyến Tà Chì Nhù lần này, lúc ăn trưa tôi thấy các suất ăn cho mỗi người (xôi) được chia sẵn trong các hộp xốp. Vậy là khi ăn xong cũng là mười mấy chiếc hộp xốp biến thành rác vô cơ, và để phân huỷ chúng sẽ mất 50-500 năm. Việc chia phần như này tôi thấy không thực sự cần thiết và hoàn toàn có thể thay thế bằng các cách khác thân thiện với môi trường hơn. Vì là bên đứng ra tổ chức nên “Travel Up” hoàn toàn có thể bàn bạc kỹ trước chuyến khởi hành cùng bên chuẩn bị đồ ăn trưa về vấn đề này. Ví dụ: Thay vì đựng trong hộp xốp thì có thể gói trong lá chuối khô, hoặc tươi. Muối lạc, duốc hay các thức ăn phụ khô khác cũng có thể làm tương tự. Do cũng ở vùng núi rừng nên tôi nghĩ việc chuẩn bị lá chuối cũng không có gì khó khăn… Nhớ lại trong một chuyến trekking khác, do quên mang bát, đũa mà cả đoàn chúng tôi hôm đó đều ăn cơm trên lá chuối, rồi cuốn lá chuối thành phễu để thay thìa múc nước canh. Đũa được tận dụng từ thân cây nứa, gỗ nhỏ. Riêng xơi cơm anh Porter phải đẽo hẳn cái muôi gỗ rõ to để xúc. Dù đây chỉ là một tình huống vô tình xảy ra thôi nhưng nhờ vậy mà cả đoàn hôm đó đã có được một trải nghiệm đáng nhớ. Bạn thấy đó! Chỉ sợ bạn không muốn thôi, nếu muốn bạn sẽ có cách!. À quên, nếu bạn nào đọc tới đây mà vẫn còn thắc mắc về mấy cái hộp xốp đựng xôi tại bữa cơm trưa, thì lúc trở về chúng mình đã mang theo hết xuống núi rồi nha! 🙂

 

Cuối cùng, đó là tại những điểm dừng chân, ngủ qua đêm. Nếu các bạn đã từng đi trekking một vài đỉnh núi thì chắc cũng có thể nhận ra đây là nơi tập trung nhiều rác nhất. Và sau khi rời đi, thì số rác còn lại của các đoàn sẽ được xử lý như nào? Sự thật nói ra có hơi đau lòng, đó chính là “ĐỐT BỎ!”. Vẫn biết đốt đồ nhựa (chai nhựa, nilon…) cũng sẽ sản sinh ra khói với nhiều chất độc hại cho môi trường. Nhưng tôi rất hiểu, rằng trong hoàn cảnh như thế, điều kiện như thế, con người như thế, thời gian như thế,… thì sự lựa chọn đương nhiên là như thế thôi. Quay lại một chút, về vấn đề đầu tiên tôi đã nêu: “Không lấy gì đi ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân”. Nếu mỗi cá nhân tham gia trekking đều thực hiện đúng như trên thì lượng rác thải ra gần như là “zero”. Nhưng sự thật tréo ngoe là số người “không làm theo” luôn luôn lớn hơn số người “nghiêm túc thực hiện”, nên đương nhiên là sẽ có rác tại những điểm dừng chân. Rồi những số rác đó nếu không được xử lý ngay khi mỗi đoàn rời đi thì mỗi đoàn một chút, tích tiểu thành đại, dần dần từ một nhúm rác sẽ thành một đống, rồi một bãi rác giữa lòng đại ngàn màu xanh…

 

 

Trong trường hợp này, có một cách tôi nghĩ cũng khá hợp lý để giảm thiểu việc đốt rác. Đó là rác thải nhựa, như chai lọ… các lon nước, hay bất kỳ loại rác nào là nguyên liệu tái chế, các anh chị Porter có thể vệ sinh sạch, phơi khô, cán dẹp cho gọn nhất có thể, sau đó xếp gọn vào một chỗ trong lán. Khi nào số lượng nhiều có thể tiện đường vận chuyển xuống núi bán đồng nát, như thế anh chị vừa có thêm chút thu nhập, mà cũng góp phần bảo vệ hệ sinh thái của núi rừng…

 

Đối với tôi, mỗi chuyến trekking đều là một trải nghiệm sâu sắc! Ở đó tôi được thử thách, trui rèn sức mạnh ý chí, vượt qua giới hạn của bản thân. Ở đó, tôi được gặp gỡ những người bạn mới, giúp tôi học được thêm, cũng như nghiệm ra thêm nhiều điều trong cuộc sống. Tôi đã từng gặp một bạn nữ, do gặp chuyện buồn trong tình cảm, chuyện không vui trong gia đình mà quyết định tham gia trekking. Tôi đã từng gặp 3 anh thanh niên, cũng là 3 người bạn thân, rủ nhau tham gia trekking vì sắp không còn được gặp nhau thường xuyên như trước, do công việc mà 1 anh sẽ chuyển tới một nơi xa xôi. Chuyến đi như một món quà mà 2 anh gửi tới người bạn của mình, cũng là một kỷ niệm đáng nhớ khó quên, chứ thật ra 3 anh cũng không phải là người đam mê leo núi gì hết! Bạn thấy đấy, khi tham gia trekking mỗi người đều có những lý do, hay mục đích riêng của bản thân. Nhưng khi đã tham gia cùng một nhóm, được đồng hành, sát cánh bên nhau trên suốt cuộc hành trình để tới đích, thì tất cả đều gạt hết công việc, những buồn phiền, âu lo, bộn bề của cuộc sống thường ngày sang một bên. Chỉ còn lại duy nhất đó là những phút giây, khoảnh khắc được trải nghiệm cùng toàn bộ những thành viên khác trong đoàn, ngay bây giờ và tại đây. Bởi điều hạnh phúc nhất trong một cuộc hành trình, không phải là khi bạn chạm tới đích đến, mà chính là những giây phút trên toàn bộ quãng đường bạn đã trải qua…