Ngó lên rặng cây che lút đầu, nhìn mãi không thấy ngọn, ánh nắng mặt trời những ngày cuối tháng 3 tìm cách len lỏi qua mớ tán cây, rọi lên gương mặt những kẻ du hành.
Bạn cần thở, rừng cũng vậy
(Bài viết này không đầu không cuối, mình chỉ chắp “bàn phím” và hồi tưởng về ngày an yên)
Lần này là một Đà Lạt rất khác
Đà Lạt của rừng rậm xanh lá, của một quán cà phê kì lạ, cùng với những con người lạ kì không kém, khác đi với những thói quen thông thường như mọi lần tại chốn này.
Chuyến đi lần này nhóm mình thật sự may mắn vì đã được một anh là nhà nghiên cứu thực vật của VQG dẫn đường – Anh Cường. Với một đứa mà ngay cây ớt còn ko nhận ra như mình, thì lượng kiến thức anh chia sẻ là cả một đại dương mênh mông, mà chắc mình chỉ có thể chấm mút lấy tí vị mặn mặn muối biển chứ ko nào thẩm thấu hết.
Mình đã được thấy hình thù cái cây trong truyền thuyết “Lá ngón” – The best food for your ex – còn được giới thiệu như thế :)))
Cây Phong (hay còn gọi là cây Thích) với những tán lá đang ngã sang vàng.
Cây Pơmu một ngàn ba trăm ba nhăm tuổi. Dăm bảy đứa ôm không hết thân cây.
Mấy nhành lan lúc nào cũng yên vị tít trên những cành cây chục mét cao vút, và sở hữu những cái tên vô cùng kiêu sa.
Cái khu vực rừng mà tụi mình hết 30km vẫn chưa nhớ hết tên: Rừng kín thường xanh mưa nhiều á nhiệt đới.
À lần đầu tiên Diên đi vô rừng vô rú mà má ơi có hẵng nhà tắm ở trỏng. Nghe mấy Anh bảo phải bắt đường ống từ suối cách đó 2km cũng gian nan lắm, nhưng họ muốn tránh để khách du lịch có những tác động xấu hơn vào nguồn nước của động thực vật trong khu rừng.
Chuyến đi này, thú vị bởi những “người anh em thiện lành” cùng nhau vi hành.
Đa phần là nữ nhi, nhưng không mảy may bánh bèo, sịn ghê luôn.
Đi trek (mà mọi người cơ quan mình hay bảo “mày lại đi hành xác à”), sướng nhất chắc là được ăn ngon, lần này lại được sắm hẵng anh giai “chế” đồ ăn ngon ngang cơ đầu bếp. Mà thiệt tình lúc đói thì cho ăn cái bát cháo hành nóng hổi cũng là thượng phẩm.
Đồng hành cùng mấy anh chị làm về môi trường, nên vấn đề rác luôn được chú ý cẩn trọng.
“Hữu cơ để lại, vô cơ mang đi”, đối với những chất thải hữu cơ có thời gian phân huỷ nhanh có thể dùng cách chôn lấp để phân huỷ sinh học còn các chất thải vô cơ cần được mang ra hết. Tất nhiên là những nhóm khác họ không xả rác, nhưng có lúc lại chọn cách đốt đi. Mấy anh chị bảo, mặc dù đem ra ngoài thành phố người ta cũng sẽ đốt nhưng sẽ có cách xử lí của nhà máy hạn chế ô nhiễm nhất, việc của mình là đem vào được đem ra được.
Có một chị trong đoàn chia sẻ, chị đã đi đến một số vùng đất đặc biệt nơi mà trách nhiệm bảo tồn thiên nhiên đặt lên rất cao, trước những lần trek khám phá người tham gia đều phải được huấn luyện về tinh thần lần thể chất, tất cả mọi thứ dù là vô cơ hay hữu cơ đều không đuợc để lại trong rừng, vì những thứ ngoại lai có thể phá vỡ hệ sinh thái vốn có của rừng. Hi vọng chúng ta có thể từng chút từng chút một tô lại màu xanh cho những mảng màu dần chuyển xám, và cũng sẽ không làm bạc đi những gam màu đang xanh kia.
À lúc ra thành phố, tụi mình được dắt tới một quán cà phê hơi kì lạ với những món đồ kì quái, cùng môt người đàn ông kì thú, cái quán có cái tên “Kỳ ngộ ” của bác Lê Kì Vinh, đã 62 tuổi nhưng đầu chưa hề 2 màu tóc. Đám loi nhoi 20 tụi mình rất ngưỡng mộ sự yêu đời và con mắt lạc quan của bác. Lại có một chỗ quen cà kê cho những hôm Đà Lạt không buồn đi đâu.
Có thể bạn quan tâm: Tour Leo Núi Tà Xùa
Theo dõi Fanpage của Travel Up để khám phá thêm về Tà Chì Nhù