Thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều vụ du khách phải gọi điện nhờ lực lượng chức năng hỗ trợ do bị lạc khi trekking trong rừng mà thiếu kinh nghiệm. Dù không nguy hiểm tới tính mạng nhưng để leo núi – trekking an toàn, bạn cũng cần nắm rõ vài nguyên tắc.
Nguyên tắc 1: Chuẩn bị thể lực và sức bền trước khi đi
Leo núi là môn thể thao không dành cho những người có sức khỏe yếu hoặc mắc các bệnh xương khớp, tim mạch hay huyết áp. Người có sức khỏe tốt vẫn cần chạy bộ, đặc biệt phải leo cầu thang hoặc tập các bài tập đứng lên ngồi xuống hàng ngày từ 3 tuần đến 1 tháng trước chuyến đi để cơ thể quen với việc bị dồn ép liên tục khi leo núi.
Trước khi đi, cần phải ăn đủ các chất bổ dưỡng và ngủ đủ giấc. Các cung leo núi, tùy khu vực nhưng thường nằm ở nơi hẻo lánh, mất nhiều thời gian để đến được điểm xuất phát. Chính vì vậy, với các cung xa, bạn nên di chuyển gần đến điểm xuất phát và ngủ đêm tại bãi cắm trại, để có một thể trạng tốt nhất cho chuyến đi vào ngày hôm sau.
Nguyên tắc 2: Tìm hiểu trước về cung leo
Trước chuyến đi, phượt thủ cần phải tìm hiểu kỹ về cung đường, ngọn núi mà mình sắp chinh phục, từ địa hình, thời tiết theo từng mùa, địa vật, thảm động thực vật… Điều này rất quan trọng vì nó sẽ giúp ta biết sẽ phải đối mặt với khó khăn gì để có thể vượt qua.
Ngoài ra, cũng cần theo dõi kỹ dự báo thời tiết những ngày đi. Không nên leo một số cung có nhiều suối và dốc dựng đứng nếu trời đang mưa hoặc dự báo mưa. Bên cạnh đó, thời gian bắt đầu leo núi – trekking cũng phải chú ý, không nên thực hiện những việc này khi mặt trời đã xế chiều vì dễ mất phương hướng dẫn tới lạc đường trong rừng, vì lúc gần mặt trời lặn trong rừng sẽ rất tối, hầu như bạn sẽ không thấy gì nếu không sử dụng đèn pin.
Nguyên tắc 3: Chuẩn bị các vật dụng cá nhân cần thiết
Trong mỗi chuyến đi leo núi – trekking, trang phục rất quan trọng vì không chỉ giúp hành lý mang theo gọn nhẹ, dễ leo mà còn đảm bảo đủ ấm khi đêm xuống. Tuy nhiên, các vật dụng như áo cotton bên trong thoáng nhẹ, áo khoác nhẹ, quần dài mau khô, mũ chống nắng, găng tay, kính chống nắng, bó đầu gối, bó cổ chân giúp giảm thiểu tác động tới đầu gối và cổ chân… là rất cần thiết.
Ngoài ra có balo nhỏ dùng để đựng đồ ăn nhẹ, áo khô, khăn quàng, áo mưa, thuốc cảm cúm, thuốc cá nhân theo thuốc bác sĩ kê đơn ( trong trường hợp bệnh nhẹ ) , nước uống, bật lửa,… Đặc biệt, dù trời nóng nhưng khi leo núi – trekking vẫn nên mang theo áo khoác giữ ấm đề phòng thay đổi thời tiết bất ngờ vào buổi tối lúc sương xuống. Khi leo ở vùng núi hay đồi trọc dưới thời tiết nắng nóng, bạn cần mặc đồ chống nắng nhưng phải thoáng mát để đề phòng bị sốc nhiệt. Giày leo núi có khả năng thoát nước tốt, gậy leo núi cũng rất cần thiết.
Cần lưu ý, ở trên núi cao, dù trời nắng và khi leo núi người rất nóng nhưng nhiệt độ ngoài trời luôn thấp và có gió mạnh. Vì vậy, mỗi khi dừng nghỉ, bạn cần lấy khăn khô lau mồ hôi trên cơ thể và mặc áo khoác để tránh bị cảm lạnh. Nếu gặp mưa, cần thay đồ khô và mặc áo khoác ấm và mặc áo mưa ở bên ngoài để tránh bị ngấm nước và mất nhiệt.
Nguyên tắc 4: Phải có người địa phương dẫn đường
Theo anh Sắc Ly, với các cung leo hiểm trở, bạn nên đi cùng những người có kinh nghiệm tổ chức tour hoặc thuê trưởng nhóm và người dẫn đường (leader), người gùi đồ địa phương (porter) có kinh nghiệm và đã từng leo các cung đó.
Trưởng nhóm hay người dẫn đường có kinh nghiệm sẽ phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, lường trước được những khó khăn và biết cách xử lý tình huống khi có vấn đề phát sinh. Với các cung leo khó và không có lán nghỉ, bạn nên thuê nhiều porter, hai người đi có một porter để tránh tình trạng phải tự mang vác lều, đồ nấu nướng và đồ ăn, dẫn đến thể lực giảm sút.
Nguyên tắc 5: Không chủ quan
Chuyên gia trekking Sắc Ly khẳng định, tất cả các cung leo đã được các phượt thủ đi trước giới thiệu chi tiết. Tuy nhiên, những người đi sau tuyệt đối không được chủ quan. Đặc biệt, trong quá trình leo, không được tách đoàn và luôn đi sau các porter để tránh bị lạc hoặc gặp rắn, thú dữ. Trong trường hợp bị lạc, hãy tìm ra đường mòn gần nhất hoặc ở nguyên tại chỗ và tìm cách đốt lửa, khói báo hiệu để cho các thành viên khác tìm mình.
Khi phải ngủ ở lều, bạn cần dựng lều ở nơi cao và khô, sử dụng tấm lót cách nhiệt để tránh cơ thể nhiễm lạnh khi tiếp xúc trực tiếp đất. Có thể dùng lá khô để trải ở dưới lều trong trường hợp không có tấm cách nhiệt. Đặc biệt không uống rượu trước và trong khi leo để tránh bị nhão cơ và đầu óc mất tỉnh táo.
Nếu thấy sức mình không thể đi tiếp thì không nên cố. Hãy báo ngay cho trưởng nhóm hoặc các thành viên trong đoàn để được hỗ trợ kịp thời và tìm phương án khác để giải quyết trước khi gặp sự cố không mong muốn trong chuyến hành trình khám phá những cung đường mà bạn đang muốn chinh phục.
Có thể bạn quan tâm: Đi leo núi cần mang gì? 15+ vật dụng cần thiết trekking
Theo dõi Fanpage của Travel Up để khám phá thêm về Nhìu Cồ San